Hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, ngành du lịch đã có những điều chỉnh để thích ứng và sẵn sàng phục hồi, trong đó có du lịch Hội An.
Du lịch hậu Covid-19 – Cơ hội để phát triển bền vững
Cuộc khủng hoảng Covid-19 khiến chúng ta phải suy nghĩ một cách thấu đáo về sự cân bằng giữa phát triển du lịch nội địa và du lịch quốc tế. Thời gian tới, ngành du lịch được định hướng phát triển mạnh mẽ du lịch nội địa. Và thời điểm khó khăn hiện nay chính là cơ hội để xóa dần sự ngăn cách giữa du lịch nội địa và quốc tế, đẩy mạnh việc tiếp cận của người Việt đến những dịch vụ đẳng cấp quốc tế, sang trọng. Theo một số chuyên gia, thời điểm hiện tại, du lịch nội địa chắc chắn là chìa khóa phục hồi của ngành du lịch Việt Nam. Số liệu cho thấy trước khi có Covid-19 thì du lịch nội địa cũng đã đóng góp tới 5.5% tổng GDP cho toàn bộ nền kinh tế.
Theo chuyên gia của UNESCO, trong bối cảnh mà đại dịch Covid-19 vẫn còn hoành hành như hiện nay thì đây chính là thời cơ để phát triển du lịch bền vững. Thông tin đăng tải trên Báo Chính phủ đầu tháng 4/2021 cho hay: văn phòng UNESCO Hà Nội cũng như Văn phòng UNESCO ở Paris đang phối hợp cùng với nhau để xây dựng những mô hình thí điểm cho Hội An hay Tràng An để mở rộng quy mô quản lý khách du lịch tới hai khu di sản nổi tiếng này. Đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết thêm, đối với tổ chức này, phát triển du lịch bền vững là đầu tư vào phát triển cộng đồng địa phương, phát triển văn hóa địa phương.
Đứng trước thời kỳ mới, Hội An cũng đã nhanh chóng có những chuyển biến tích cực để nắm bắt cơ hội phát triển du lịch trở lại theo hướng bền vững, và cân bằng giữa khách nội địa và khách quốc tế.
Dòng sông Hoài trong xanh, êm đềm chảy qua phố cổ Hội An sẵn sàng đón hàng chục nghìn lượt khách thăm quan mỗi ngày.
Thêm vào đó, hai năm vừa qua là khoảng thời gian để Hội An được thư giãn và tái tạo. Dòng nước sông Hoài trong xanh nhất trong hàng chục năm trở lại đây, những ngôi nhà cổ với tường vàng mái nâu đặc trưng nổi bật trên nền trời xanh ngắt, không khí trong lành, phố phường như được khoác áo mới. Nhịp sống dường như chậm lại, bình yên hơn, thân thiện hơn, trở về đúng với “chất” riêng vốn đã làm nên thương hiệu Hội An trong lòng bạn bè du khách. Cảnh sắc thiên nhiên bừng sáng và những nét đẹp văn hóa truyền thống trường tồn làm nên một Hội An quyến rũ mọi tín đồ du lịch trong thời gian tới.
Cảnh sắc bình yên, quyến rũ, đậm nét văn hóa di sản của Hội An sau đại dịch.
Hội An đón đầu thời kỳ phục hồi
Nằm trong kế hoạch mới ban hành đầu tháng 9/2021 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về việc triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi du lịch, bao gồm cả việc đón khách quốc tế, Hội An đã có những hành động cụ thể để sẵn sàng trở lại sau đại dịch. Chính quyền thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo trao đổi với doanh nghiệp để đưa ra các ý tưởng, giải pháp chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi.
Các công trình di tích được tu bổ để đón du khách trở lại.
Bà Trương Thị Ngọc Cẩm – Giám đốc Trung tâm VH-TT TP. Hội An thì cho rằng: “Cứ sau mỗi đợt dịch đi qua, chúng tôi lại bắt tay ngay vào tổ chức các hoạt động, sự kiện du lịch. Phải nói rằng, trong thời điểm muôn vàn khó khăn như vậy, với tinh thần vì Hội An nên tất cả doanh nghiệp đã rất nỗ lực kể cả công sức và tiền bạc để xây dựng các sản phẩm”. Thành phố thực hiện các giải pháp thiết thực như hỗ trợ giá vé tại các điểm thăm quan, khẩn trương hỗ trợ việc trùng tu, tôn tạo các khu di tích bị xuống cấp.
Văn hóa truyền thống, con người thân thiện làm nên vẻ đẹp đặc trưng của Hội An.
Bên cạnh đó, sẵn sàng triển khai trở lại đề án “Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ”, “Phố đêm” với các hoạt động văn hóa nghệ thuật như hô hát bài Chòi tại bùng binh An Hội; trò chơi dân gian bịt mắt đập nồi tại đường Châu Thượng Văn; điểm nhạc “Tiếng Dương Cầm”, cùng nhiều hoạt động nghệ thuật như trình diễn trang phục Hội An – Ký ức thời gian, chiếu dân ca, biểu diễn văn hóa dân gian… Song song với đó, các làng nghề truyền thống lâu đời của Hội An như làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế, rừng Dừa Bảy Mẫu cũng sẵn sàng mở cửa trở lại để phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm. Đặc biệt, các điểm tham quan, giải trí, dịch vụ lưu trú, nhà hàng… cũng sẽ tung ra các gói kích cầu hấp dẫn để thu hút du khách đến Hội An.
Đi thuyền thúng trên Rừng Dừa Bảy Mẫu là một trải nghiệm đặc sắc cho du khách khi đến với Hội An.
Thêm vào đó, nằm trong định hướng “giãn cách” khách du lịch quanh bán kính một km từ vùng lõi phố cổ Hội An, nhằm giảm tải cho phố cổ, một số dự án, công trình mới cũng đang được tăng tốc để đi vào hoạt động. Được biết, trong thời gian tới, khu vực cận kề phố cổ sẽ có thêm nhiều địa điểm du lịch mới mang đậm sắc màu văn hóa Hội An, hứa hẹn mang đến cho du khách những trải nghiệm đáng nhớ. Thành phố Hội An đã vượt Tokyo để trở thành Thành phố tuyệt vời nhất Thế giới (do Travel and Leisure bình chọn 2019) đã sẵn sàng chào đón du khách ngày trở lại.
Nguồn: Dân trí